HỘI THẢO KHOA HỌC CẤP KHOA "ÁN LỆ CỦA CISG TRONG THỰC TIỄN TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ"

Đăng vào 24/01/2018 17:11

       Sáng  ngày 05/12/2017, Khoa Pháp luật thương mại quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Án lệ của CISG trong thực tiễn trọng tài thương mại quốc tế".

       Tham dự Hội thảo, về phía khách mời có các đại biểu, nhà khoa học, chuyên gia đến từ Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Trường Đại học Thương mại, Học viện An ninh, Trường Đại học Kiểm sát, Trường Đại học Thành Tây, Viện Đại học Mở Hà Nội, Học viện Tư pháp, Trường Đại học Ngoại thương. Đặc biệt, Hội thảo còn có sự tham gia và phát biểu của ThS. Luật sư Nguyễn Trung Nam (Giám đốc điều hành của EP Legal) - thành viên của Nhóm nghiên cứu và thúc đẩy Công ước Viên tại Việt Nam (CISGVN). Về phía Trường Đại học Luật Hà Nội, có sự tham gia của đại diện các Khoa, Trung tâm và một số Bộ môn trong Trường cùng các giảng viên Khoa Pháp luật thương mại quốc tế và một số sinh viên có quan tâm.

         Trong phần phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Thị Thu Hiền (Phó Trưởng Khoa Pháp luật thương mại quốc tế) đã nêu mục đích, yêu cầu của hội thảo. Chương trình hội thảo chỉ nghe tóm tắt 02 chuyên đề, còn phần lớn thời gian sẽ dành để nghe các ý kiến trao đổi và phản biện của các đại biểu tham dự, xoay quanh hai nội dung chính: Thứ nhất, án lệ của CISG và thực tiễn sử dụng của trọng tài thương mại quốc tế; thứ hai, sử dụng án lệ của CISG trong nghiên cứu và giảng dạy Luật thương mại quốc tế.

         Hội thảo đã nghe gần 40 lượt ý kiến trao đổi tập trung làm rõ những vấn đề còn nhiều ý kiến tranh luận, gồm:

        Thứ nhất, ba xu hướng áp dụng án lệ của CISG với nhiều mức độ khác nhau tại trọng tài thương mại quốc tế: (1) Án lệ được Hội đồng trọng tài  sử dụng chỉ mang tính tham khảo, bổ trợ làm tăng thêm tính thuyết phục trong các lập luận của mình; (2) Án lệ được Hội đồng trọng tài viện dẫn để phân tích cách hiểu các quy định của CISG, nhằm tăng tính thuyết phục, và bổ trợ cho lập luận của mình; (3) Án lệ được viện dẫn như là một cơ sở pháp lý để Hội đồng trọng tài dựa vào đó đưa ra quyết định.

         Thứ hai, thực tiễn án lệ và dự đoán xu hướng áp dụng án lệ CISG tại các trung tâm trọng tài tại Việt Nam.

         Thứ ba, cách hiểu về án lệ và khả năng trở thành án lệ của các vụ việc CISG điển hình.

        Thứ tư, án lệ của CISG trong thực tiễn giải quyết tranh chấp tại các Trung tâm trọng tài quốc tế, như Trọng tài ICC, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore (SIAC), Ủy ban Trọng tài kinh tế và thương mại quốc tế Trung Quốc (CIETAC).

         Ngoài ra, các đại biểu còn chia sẻ về thực trạng giảng dạy về án lệ của CISG tại một số cơ sở đào tạo luật, đồng thời đưa ra các đề xuất có tính khả thi nhằm nâng cao hiệu quả việc sử dụng án lệ của CISG trong nghiên cứu, giảng dạy và học tập tại Trường Đại học Luật Hà Nội nói riêng và tại các cơ sở đào tạo luật nói chung.

        Cuối buổi Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Thu Hiền đã tổng kết, đánh giá cao nội dung chương trình Hội thảo và đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học và các chuyên gia. Hội thảo thực sự là một diễn đàn khoa học để trao đổi chuyên môn và góp phần tham gia giải quyết các vấn đề về lý luận và thực tiễn về áp dụng án lệ của CISG, tạo sự gắn kết giữa hoạt động đào tạo của nhà trường với hoạt động thực hành luật. Kết quả của hội thảo sẽ là cơ sở để tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy án lệ của CISG trong các môn học có liên quan.         

Tào Thị Huệ