Hội thảo cấp Trường “Vai trò của các công ty đa quốc gia trong lĩnh vực đầu tư quốc tế và những thách thức đặt ra đối với Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”

Đăng vào 12/06/2018 22:10

           Sáng ngày 31/5/2018, Trường Đại học Luật Hà Nội đã tổ chức Hội thảo cấp Trường với chủ đề “Vai trò của các công ty đa quốc gia trong lĩnh vực đầu tư quốc tế và những thách thức đặt ra đối với Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” tại phòng A402, do Khoa Pháp luật thương mại quốc tế chủ trì về chuyên môn.

            Sự tham gia của các công ty đa quốc gia trong hoạt động đầu tư quốc tế từ lâu đã là mối quan tâm của các nhà kinh doanh, các chính khách, các học giả, và nhất là các luật gia ở các nước phát triển. Tuy nhiên, đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, thì đây dường như là chủ đề mới và khó. Các nhà lập pháp và chuyên gia pháp luật của chúng ta gặp nhiều lúng túng và còn thiếu kinh nghiệm khi xử lý vấn đề này.

            Tham dự Hội thảo có đại diện giảng viên của Học viện Cảnh sát nhân dân, Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Thương mại, cùng với sự tham gia của chuyên gia của Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp (ông Trần Anh Tuấn). Về phía Trường Đại học Luật Hà Nội, có Phó Hiệu trưởng TS. Chu Mạnh Hùng và Trưởng Khoa Pháp luật thương mại quốc tế PGS. TS. Nguyễn Thanh Tâm đồng chủ trì Hội thảo, cùng đông đảo giảng viên các Khoa, trung tâm, Bộ môn trong Trường, và sinh viên ngành Luật thương mại quốc tế, ngành Luật chất lượng cao.

            Trong khuôn khổ một Hội thảo cấp Trường, các nhà khoa học và những người quan tâm đã cùng nhau thảo luận để nhận diện những khó khăn về pháp luật trong lĩnh vực này, từ đó thử đề xuất một số giải pháp. Hội thảo có 15 báo cáo tham luận, trong đó 04 tham luận có sự tham gia của sinh viên. Hội thảo đã nghe gần 30 lượt trao đổi ý kiến của các chuyên gia, giảng viên và sinh viên tập trung thảo luận những vấn đề chủ yếu sau đây:

            Thứ nhất, những quan điểm và cách hiểu về công ty đa quốc gia, tầm quan trọng của công ty đa quốc gia đối với nền kinh tế của các nước và nền kinh tế thế giới. Cùng với đó, nêu ra được xu hướng pháp luật điều chỉnh hoạt động của các công ty đa quốc gia theo pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế; chỉ ra những khó khăn, thách thức trong việc điều chỉnh hoạt động của các công ty đa quốc gia bằng pháp luật.

            Thứ hai, vấn đề pháp lí đặt ra với công ty đa quốc gia trong lĩnh vực thuế, đặc biệt là hoạt động chuyển giá. Từ đó nhận dạng các hình thức chuyển giá và bước đầu góp ý kiến nhằm hạn chế, kiểm soát và đưa ra chế tài đối với hành vi này.

            Thứ ba, trách nhiệm xã hội của công ty đa quốc gia trong những lĩnh vực trọng yếu ảnh hưởng lớn đến xã hội như môi trường, lao động.

           Thứ tư, vấn đề giải quyết tranh chấp đầu tư giữa công ty đa quốc gia và nhà nước; hiện tượng “treaty shopping” trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.

           Hội thảo thực sự là cầu nối giữa giới học thuật với giới thực hành luật, để hoạt động đào tạo của Trường ngày càng đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội. Đặc biệt, các em sinh viên đã tham gia hoạt động khoa học cùng với các thầy cô giáo, từng bước chủ động khẳng định vai trò “trung tâm” của người học trong đào tạo hiện đại

            Kỷ yếu Hội thảo sẽ được sử dụng làm tài liệu phục vụ hoạt động giảng dạy của giảng viên, đồng thời làm tài liệu học tập cho sinh viên, nhằm cập nhật thông tin học thuật cho giáo trình và các học liệu khác.

Đỗ Thu Hương