TOẠ ĐÀM KHOA HỌC VỀ “KỸ NĂNG CỦA CÁC NHÀ THỰC HÀNH LUẬT TRONG GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ”
Chiều ngày 26/12/2019 tại Hội trường A.402, Khoa Pháp luật thương mại quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội đã tổ chức Toạ đàm khoa học với chủ đề “Kỹ năng của các nhà thực hành luật trong giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế”.
Toạ đàm được chủ trì bởi TS. Nguyễn Bá Bình – Trưởng Khoa Pháp luật Thương mại quốc tế và ThS. Nguyễn Thị Anh Thơ – Phó trưởng Bộ môn, phụ trách Bộ môn Pháp luật về giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế. Đến tham dự Toạ đàm còn có sự hiện diện của Phó tổng thư ký của Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) kiêm Phó giám đốc thường trực Trung tâm hòa giải Việt Nam (VMC); luật sư của Công ty Luật Allen & Overy, Công ty Luật VILAF Hồng Đức; lãnh đạo các Khoa/Viện chuyên môn, các thầy, cô giáo đại diện cho các Khoa, Bộ môn và sinh viên của Trường Đại học Luật Hà Nội.
Toạ đàm tập trung vào 2 nội dung chính: (1) Kỹ năng của Luật sư, Trọng tài viên, Thẩm phán trong giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế và đầu tư quốc tế. (2) Sự chuẩn bị và nhu cầu của sinh viên về kỹ năng tham gia vào giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế. Phát biểu tại Toạ đàm, Luật sư Dương Minh Hoàng - Công ty Luật Allen & Overy, Ông Phan Trọng Đạt, Phó Tổng thư ký VIAC, Phó Giám đốc thường trực Trung tâm Hoà giải thương mại Việt Nam, Luật sư Nguyễn Thu Hà - Công ty Luật VILAF Hồng Đức, Cựu sinh viên K36 Khoa pháp luật Thương mại quốc tế đã chia sẻ những kỹ năng thực tiễn của các nhà thực hành luật, các kỹ năng trong quá trình giải quyết tranh chấp và cách thức để rèn luyện, khai thác các kỹ năng này. Sinh viên Phan Đăng Quang (K42 Ngành Luật Thương mại quốc tế) cũng chia sẻ kết quả khảo sát về nhu cầu của sinh viên đối với việc được đào tạo các kỹ năng giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế. Toạ đàm đã diễn ra trong không khí trao đổi, chia sẻ sôi nổi, thẳng thắn giữa các tác giả chuyên đề, các nhà khoa học và các sinh viên tham dự. Đây thực sự là diễn đàn để các nhà thực hành luật, giảng viên và sinh viên của các cơ sở đào tạo luật trao đổi kinh nghiệm thực tiễn thực hành nghề nghiệp, các kỹ năng và kiến thức sinh viên nên tích luỹ ngay từ khi trước khi ra trường, tới kỹ năng thực hành công việc sau khi ra trường.
Phát biểu kết thúc Toạ đàm, TS. Nguyễn Bá Bình gửi lời cảm ơn các chuyên gia, các đại biểu, thầy cô giáo và các em sinh viên đã tham gia và chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn và kỹ năng giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế. Trưởng Khoa hi vọng tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các chuyên gia, khách mời và các em sinh viên đối với các hoạt động khoa học tiếp theo của Khoa Pháp luật thương mại quốc tế.