Cựu sinh viên Khoa Luật Thương mại quốc tế: Hành trình đến với giấc mơ du học Mỹ
Ngày 13/5/2021, buổi Workshop với chủ đề “Tiếng Anh pháp lý và hành trình chạm tới giấc mơ du học ngành luật” do Câu lạc bộ Trọng tài Quốc tế (International Arbitration Club - IAC) thuộc Khoa Pháp luật Thương mại quốc tế đã được tổ chức thành công trên nền tảng trực tuyến và nhận được sự quan tâm đông đảo của các bạn sinh viên trong và ngoài Trường Đại học Luật Hà Nội (HLU). Trong số những vị diễn giả đồng thời là những cựu sinh viên thành đạt tham gia chia sẻ tại Workshop, có sự tham gia của chị Nguyễn Mai Hương, cựu sinh viên xuất sắc của K40 Khoa Pháp luật Thương mại quốc tế.
Xuất thân từ môi trường đào tạo Đại học Luật Hà Nội, chị Mai Hương có bề dầy hoạt động và những thành tích vô cùng ấn tượng. Từ khi còn là sinh viên của khoa Pháp luật Thương mại Quốc tế, chị Mai Hương đã tham gia rất nhiều hoạt động xã hội, học thuật trong và ngoài trường, đạt nhiều thành tích ấn tượng như: Quán quân cuộc thi Phiên tòa Trọng tài thương mại Giả định 2019 (Commercial Arbitration Moot 2019), Thành viên Đội thi của HLU dành giải nhất Cuộc thi tranh tụng giả định trọng tài đầu tư quốc tế Vòng quốc gia năm 2019 (FDI Moot 2019) và được chọn đi thi Vòng khu vực tại Hàn Quốc, Giải nhất dành cho hạng mục Luật sư tranh biện và Top 3 Memorandum tại FDI Moot 2019. Về kinh nghiệm thực tiễn, chị đã từng tham gia thực tập và làm việc tại nhiều cơ sở thực hành luật uy tín như Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Công ty luật BakerMckenzie Vietnam, Dzungsrt & Associates… Đặc biệt, chị vừa nhận được học bổng Thạc sĩ Luật Thương mại quốc tếtừ 04 Đại học danh tiếng tại Mỹ.
Trả lời phỏng vấn của Ban Truyền thông Liên chi Đoàn Khoa Pháp luật Thương mại quốc tế, Trường Đại Học Luật Hà Nội về vấn đề lựa chọn ngành học phù hợp đối với các bạn sắp trở thành sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội Khóa 46, chị Mai Hương đã có một số chia sẻ như sau:
“Việc lựa chọn ngành học phù hợp với bản thân là rất quan trọng đối với định hướng tương lai sau này của các sinh viên. Không giống như ở nước ngoài, các em sẽ học các môn cơ bản trước vào những năm đầu và chọn major [chuyên ngành] của mình sau khi lên năm 3 thì ở Việt Nam, các sinh viên mới nhập học được yêu cầu chọn ngành, khoa mà mình sẽ học ngay từ lúc bước chân vào trường. Với kinh nghiệm từ một sinh viên đã ra trường và đang hành nghề trong lĩnh vực pháp lý, chị mong muốn những chia sẻ sau đây sẽ giúp ích cho các em trong quá trình chọn ngành học phù hợp với bản thân mình.
1. Đầu tiên, các em nên tìm hiểu những thông tin cơ bản về tất cả các khoa/ngành học mà các cơ sở đào tạo luật hiện tại tại Việt Nam cung cấp. Ví dụ như Đại học Luật Hà Nội có các Ngành đào tạo bao gồm (i) Luật học (bao gồm chương trình đào tạo Chất lượng cao), (ii) Luật Thương mại Quốc tế (LTMQT), (iii) Luật Kinh tế, và (iv) Ngôn ngữ Anh.
2. Các em nên tìm hiểu về từng môn học và số lượng các tín chỉ của những môn học đó, hoặc những môn học cố định đối với một số ngành luật bắt buộc sinh viên phải hoàn thành để tốt nghiệp. Ví dụ theo như chị được biết thì ngoài những môn bắt buộc phải học ở năm 1 như Hiến pháp, Lý luận, Tư tưởng Hồ Chí Minh, v.v., Ngành Luật học cho phép sinh viên tự chọn môn học thông qua việc tự đăng ký tín chỉ. Trong khi đó, ở Ngành LTMQT, Luật Kinh tế, Ngôn ngữ Anh sẽ có những môn mà Trường sẽ chọn trên cơ sở biên bản lựa chọn môn của tập thể sinh viên các lớp. Từ đó, các em có thể hình dung ra hệ thống các môn học tương ứng với từng Khoa. Điển hình như với Khoa LTMQT là khoa mà chị theo học, các em bắt đầu được tiếp xúc với các môn chuyên ngành từ năm 3, những môn học mà chị ấn tượng nhất có thể kể đến là môn học liên quan đến WTO, antidumping, mua bán hàng hóa quốc tế, cung ứng dịch vụ quốc tế, Incoterms, đầu tư quốc tế, v.v. Những môn học này cho sinh viên kiến thức cơ bản liên quan đến các giao dịch quốc tế, luật quốc tế và giúp sinh viên ra trường sẽ có nền tảng tốt để thích ứng nhanh với công việc. Việc nghiên cứu kỹ các môn học của khoa mình cho phép các em có cái nhìn tổng quan về việc mình sẽ học gì, mình có mong muốn học môn học đó không, mình có đặc biệt thích môn nào không. Điều này là yếu tố khá lớn quyết định việc các em chọn ngành học cho bản thân.
3. Quan trọng nhất các em nên xác định là bản thân mình hợp với ngành luật nào. Việc này chị nghĩ nên xác định dựa trên các yếu tố sau :
(i) Sở thích và ước mơ bản thân: Đối với các sinh viên biết rõ mình muốn làm gì trong tương lai, ví dụ có người thích chuyên làm về mảng hình sự, mảng dân sự, hoặc chuyên mảng tư vấn. Các mảng này vẫn khá là rộng và các em cần phải trực tiếp học và tìm hiểu thực tiễn hành nghề để quyết định cho mình một hướng đi trong tương lai.
(ii) Sự phù hợp với năng lực bản thân, những yếu tố liên quan đến nghề nghiệp tương lai mà các em mong muốn. Đối với các em sinh viên có khả năng ngôn ngữ, muốn tương lai được làm việc trong môi trường quốc tế, được cọ xát với nghề ở góc độ tư vấn cho khách hàng nước ngoài liên quan đến các vấn đề trong nước và quốc tế, các em có thể lựa chọn Ngành LTMQT.
Có thể ở thời điểm hiện tại thì các em chưa thể hình dung được rõ ràng bản thân trong tương lai của 4-5 năm sau, và vấn đề nghề nghiệp cũng sẽ bị chi phối, thay đổi bởi nhiều yếu tố khác, tuy nhiên chị hy vọng các em có thể thông qua những chia sẻ này, tìm được mong muốn cũng như nhìn nhận bản thân để tìm được ngành học phù hợp với mình.”./.