QUÁN QUÂN CUỘC THI TRANH TỤNG TRỌNG TÀI ĐẦU TƯ QUỐC TẾ (FDI MOOT 2020) VÒNG THI QUỐC GIA: KẾT NỐI ĐỂ THÀNH CÔNG

Đăng vào 10/06/2021 09:09

            Cùng với chương trình đào tạo có nhiều điểm mới, được xây dựng trên cơ sở tham khảo các chuẩn mực đào tạo tiên tiến trên thế giới, Khoa Pháp luật Thương mại quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội luôn dành sự khuyến khích và hỗ trợ tối đa cho sinh viên trong việc thực hành kiến thức, kỹ năng đã tiếp nhận trên giảng đường thông qua các “sân chơi học thuật” uy tín là cuộc thi tranh tụng giả tưởng (Moot) về trọng tài, hòa giải thương mại cấp quốc gia, khu vực và quốc tế. Các cuộc thi học thuật vì thế được xem như một môi trường đào tạo ngoại khóa bổ ích mà Khoa Pháp luật Thương mại quốc tế đã và đang thực hiện, được minh chứng bằng những bảng thành tích đáng tự hào được làm giàu thêm mỗi năm bởi những thế hệ sinh viên ưu tú.

          Để tìm hiểu thêm về mặt môi trường đào tạo ngoại khóa hấp dẫn này, phóng sự hôm nay xin giới thiệu chị Nguyễn Bảo Ngọc, sinh viên năm cuối (K42) của Khoa Pháp luật Thương mại quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội. Chị Bảo Ngọc và các thành viên trong đội thi của mình đã xuất sắc giành ngôi vị Quán quân cuộc thi FDI Moot 2020 vòng Quốc gia, được đại diện chính thức cho Việt Nam tham dự FDI Moot Vòng Toàn cầu 2020; giành giải thưởng cá nhân - Người biện hộ xuất sắc nhất trong trận chung kết – FDI Moot 2020 vòng Quốc gia; Giải Ba CISG Pre-Moot 2020; Top 12 Vmoot 2019; chủ nhân Học bổng YKVN Scholarship 2020. Chị Bảo Ngọc đã có một số chia sẻ với Ban Truyền thông, Liên chi Đoàn Khoa Pháp luật Thương mại quốc tế và các bạn sinh viên, tân sinh viên như sau:

          Những giá trị tuyệt vời nhất mà chị Ngọc nhận được khi tham gia các cuộc thi Moot nói riêng và cuộc thi học thuật nói chung dành cho sinh viên là gì ạ?

Về mặt chuyên môn thì mình nghĩ đầu tiên tham gia Moot sẽ là cơ hội rất tốt để nâng cao khả năng tiếng Anh chuyên ngành khi phần lớn các cuộc thi Moot đều sử dụng tiếng Anh. Đồng thời, đối với sinh viên khoa Pháp Luật Thương mại quốc tế thì nội dung các cuộc thi Moot cũng tương thích với nội dung một số môn học. Tiếp đó là rèn luyện khả năng nghiên cứu và tổng hợp tài liệu. Thứ ba là khả năng làm việc nhóm. Những kỹ năng này đều rất thực tiễn.

Nhưng mình thấy điều đáng giá hơn cả khi tham gia Moot đó là sự kết nối. Moot vốn là một sự kiện giáo dục, nơi người tham gia có thể trao đổi về những câu hỏi pháp lý và học hỏi từ những người có cùng quan tâm với mình. Trong quá trình tham gia Moot và một số cuộc thi học thuật khác, mình đã gặp và được giúp đỡ bởi các thầy cô, các anh chị trong CLB, những người đã từng tham gia Moot trước đó, các bạn và cả các em nhỏ hơn tuổi. Vì thường các chương trình học thuật như Moot rất “dài hơi” và mang tính thử thách về chuyên môn cao nên việc mình dành nhiều tuần, nhiều tháng để trao đổi và cùng giải quyết vấn đề sẽ là khoảng thời gian rất tuyệt vời để kết nối với những người cùng “đồng cam cộng khổ”.

Đồng thời thì mình cũng gặp rất nhiều các bạn đến từ các trường khác. Khi mình tham gia FDI vòng toàn cầu, dù theo quy định là các đội sẽ phải giấu danh tính để đảm bảo công bằng nhưng có một số đội nước ngoài vẫn “nhận ra” chúng mình (qua màn hình máy tính) và bắt chuyện. Lúc đó mình rất vui vì cảm thấy được rõ sự kết nối mà Moot mang lại.

          Chị có lời khuyên gì dành cho những bạn sinh viên đang cân nhắc nộp hồ sơ xin tham gia các cuộc thi Moot sắp tới?

Việc tham gia các chương trình học thuật/cuộc thi học thuật như thế rất đáng để các bạn cân nhắc nếu là sinh viên Luật. Mình cũng đã từng có tâm lý e ngại và thiếu tự tin, nhưng theo mỗi cuộc thi mình cảm thấy mình học được nhiều hơn, tự tin hơn và kết quả cũng dần tốt hơn.  Nên lời khuyên đầu tiên của mình là hãy mạnh dạn bắt đầu.

Thứ hai là khi quyết định tham gia một cuộc thi học thuật thì các bạn nên có tinh thần cam kết với cuộc thi đó. Việc cam kết với một cuộc thi có thể là đặt mục tiêu để phấn đấu trong cuộc thi, xác định rõ ràng mình có thể học hỏi được gì trong cuộc thi, lên kế hoạch để cân bằng thời gian dành cho cuộc thi và những hoạt động thường ngày khác,...

Thứ ba là nên xin kinh nghiệm từ những người đã từng tham gia cuộc thi đó. Mình đã được giúp đỡ rất nhiều bởi các thầy cô, các anh chị, các bạn và các em. Nhờ kinh nghiệm của người đi trước, mình nắm bắt được là mình cần làm những gì, làm như thế nào và chú ý những gì trong một cuộc thi học thuật. Việc tham gia vào các Câu lạc bộ học thuật có liên quan (như The Moot Club, IAC, Veritas,…) cũng là một cách rất tốt để có thể biết thông tin về các cuộc thi, hỏi xin kinh nghiệm, tìm đồng đội.

Thứ tư là kết nối và lập một team ăn ý. Các cuộc thi học thuật, đặc biệt là Moot sẽ là sân chơi cho nhóm 3 đến 4 người, một mình mình cũng không thể làm gì nếu thiếu đội của mình. Do vậy, việc lập một nhóm có thể làm việc tốt với nhau là một yếu tố quan trọng trong các cuộc thi học thuật./.

(Liên Chi đoàn Khoa Pháp luật Thương mại quốc tế)