TUYỂN SINH ĐẠI HỌC NGÀNH LUẬT THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ , KHÓA 49, Niên khóa (2024 – 2028)

Đăng vào 21/03/2024 10:14

Ngành: LUẬT THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ (International Trade and Business Law)

Mã: 7380109

Khối tuyển sinh: D01 (Toán - Văn - Tiếng Anh) và A01 (Toán - Lý - Tiếng Anh)

Chỉ tiêu tuyển sinh: 200 sinh viên

1. PHƯƠNG THỨC TUYỂN SINH: xét tuyển

1.1. Tuyển thẳng:

Trường xét tuyển thẳng các thí sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chỉ tiêu (dự kiến): 4

1.2. Xét tuyển theo đề án riêng của Trường:

- Phương thức 1: Xét tuyển các thí sinh tham dự Vòng thi tháng/quý/năm cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia do Đài truyền hình Việt Nam tổ chức. Chỉ tiêu (dự kiến): 2

- Phương thức 2: Xét tuyển dựa trên kết quả học tập của bậc THPT đối với thí sinh tốt nghiệp THPT năm 2024 theo các tổ hợp được xác định cụ thể cho từng ngành. Chỉ tiêu (dự kiến): 97

Điều kiện nộp hồ sơ xét tuyển: có học lực loại Giỏi trở lên cả năm lớp 10, cả năm lớp 11 và Học kỳ 1 năm lớp 12 - trong đó kết quả học tập Học kỳ 1 lớp 12 của các môn thuộc tổ hợp đăng ký xét tuyển ≥ 7,5 điểm.

- Phương thức 3: Xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 theo các tổ hợp được xác định cụ thể cho từng ngành. Chỉ tiêu (dự kiến): 97

Một số lưu ý liên quan đến chứng chỉ tiếng Anh

Nếu thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế có giá trị sử dụng tính đến thời điểm xét tuyển được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận với số điểm tối thiểu sẽ được quy đổi điểm TBC học tập cho cả năm lớp 10, cả năm lớp 11 và Học kỳ 1 năm lớp 12 ở bậc THPT thay cho kết quả học tập ngoại ngữ tương ứng.

Thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh: IELTS Academic 6.5 điểm, TOEFL ITP 587 điểm, TOEFL iBT 95 điểm trở lên được quy đổi tương ứng 10 điểm môn Tiếng Anh; IELTS Academic 6.0 điểm, TOEFL ITP 563 điểm, TOEFL iBT 85 điểm trở lên được quy đổi tương ứng 9,5 điểm môn Tiếng Anh; IELTS Academic 5.5 điểm, TOEFL ITP 537 điểm, TOEFL iBT 75 điểm trở lên được quy đổi tương ứng 9,0 điểm môn Tiếng Anh.

* Cách tính điểm và điểm ưu tiên xét tuyển:

Thí sinh đăng ký xét tuyển phải có học lực loại Giỏi trở lên cả năm lớp 10, cả năm lớp 11 và Học kỳ 1 năm lớp 12, có kết quả học tập Học kỳ 1 lớp 12 của mỗi môn thuộc tổ hợp đăng ký xét tuyển ³ 7,5 điểm.

Xét từ cao xuống thấp đến hết chỉ tiêu theo điểm xét tuyển (dựa trên kết quả học tập 3 môn thuộc các tổ hợp xét tuyển (theo ngành) của cả năm lớp 10, cả năm lớp 11 và Học kỳ 1 lớp 12)

ĐXT = (ĐTB Môn 1 + ĐTB Môn 2 + ĐTB Môn 3) + ĐƯT (nếu có) + ĐKK (nếu có)

(Trong đó, ĐXT: Điểm xét tuyển; ĐTB: Điểm trung bình; HK1: Học kỳ 1; ĐƯT: Điểm ưu tiên; ĐKK: Điểm khuyến khích).

+ Điểm trung bình (ĐTB) mỗi môn = (ĐTB cả năm lớp 10 + ĐTB cả năm lớp 11 + ĐTB HK1 lớp 12 Mcủa môn tương ứng)/3.

Nếu số lượng chỉ tiêu còn ít mà nhiều thí sinh cùng mức điểm sẽ xét theo tiêu chí phụ:

Tất cả các ngành: Xét thí sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba tại Kỳ thi Học sinh giỏi cấp tỉnh trở lên các môn Toán, Vật lý, Hoá học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Đức, Tiếng Trung, Tiếng Nhật (xét lần lượt theo thứ tự giải và cấp đạt giải).

Đối với ngành Luật Thương mại quốc tế, thí sinh có điểm trung bình môn Tiếng Anh cao hơn sẽ trúng tuyển.

Thời gian xét tuyển: dự kiến từ tháng 04/2024 và theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

1.3. Đối với phương thức xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

- Thí sinh đủ điều kiện về đối tượng tuyển sinh theo Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo và đạt ngưỡng đầu vào được tham gia xét tuyển;

- Điểm xét tuyển bằng tổng điểm 3 môn trong tổ hợp xét tuyển và điểm ưu tiên, điểm khuyến khích (nếu có);

- Đối với thí sinh đăng ký dự tuyển và theo học tại trụ sở chính của Trường: Tổng điểm của các môn thuộc tổ hợp xét tuyển A01 và D01 ≥ 18.00 điểm (không tính điểm ưu tiên). Ngoài ra, đối với ngành Luật Thương mại quốc tế, kết quả thi tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh ≥ 7.00 điểm.

2. MỤC TIÊU ĐÀO TẠO/CÁC THẾ MẠNH TRONG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO NGÀNH LUẬT THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ

HLU tuyển sinh đại học ngành Luật thương mại quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội và thị trường Việt Nam về đào tạo dài hạn và cơ bản nguồn nhân lực có chuyên môn cao về pháp luật thương mại quốc tế cho đất nước trong thời kỳ hội nhập.

Chương trình đào tạo trình độ đại học ngành Luật Thương mại quốc tế của Trường Đại học Luật Hà Nội được xây dựng nhằm đào tạo các cử nhân ngành Luật Thương mại quốc tế có phẩm chất chính trị và đạo đức nghề luật tốt, có tri thức và sức khoẻ, có khả năng vận dụng kiến thức pháp luật thương mại quốc tế, kỹ năng và tiếng Anh chuyên ngành nhằm đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế.

Chương trình đào tạo ngành Luật thương mại quốc tế của HLU được xây dựng trên cơ sở tham khảo chương trình đào tạo tiên tiến ở các nước trên thế giới (Hoa Kỳ, Anh Quốc, Australia, Singapore), theo hướng đạt chuẩn quốc tế. Chương trình đào tạo được thiết kế với 3 trụ cột chính: i) Kiến thức pháp luật dân sự – thương mại trong nước và kiến thức chuyên sâu về luật thương mại quốc tế; ii) Kỹ năng luật gia; và iii) Tiếng Anh pháp lý.

Thời gian đào tạo theo kế hoạch là 4 năm. Sinh viên có thể rút ngắn hoặc kéo dài thời gian đào tạo của mình theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Khi tốt nghiệp, sinh viên được cấp bằng cử nhân ngành Luật thương mại quốc tế.

2.1. GIẢNG VIÊN THAM GIA ĐÀO TẠO

Bên cạnh lực lượng giảng viên cơ hữu của Trường, các giáo sư người nước ngoài, các luật sư chuyên nghiệp, trọng tài viên, các nhà thực hành luật được mời tham gia giảng dạy các môn học về kỹ năng luật gia, môn học chuyên ngành và các môn học ngoại khoá. Giảng viên Khoa Pháp luật thương mại quốc tế được đào tạo trình độ thạc sỹ, tiến sỹ lại các cơ sở đào tạo luật uy tín trên thế giới (tại Úc, Nhật, Đức, Anh, Singapore) và các cơ sở đào tạo luật hàng đầu tại Việt Nam, trẻ trung, nhiệt huyết và có trách nhiệm với công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học.

2.2. CƠ HỘI VIỆC LÀM

Sau khi tốt nghiệp, và sau khi được đào tạo/bồi dưỡng các nghề đặc thù (nếu có), cử nhân ngành Luật thương mại quốc tế có nhiều cơ hội lựa chọn việc làm:

Thực hiện các công việc lập pháp, hành pháp tư pháp tại các cơ quan nhà nước, các công việc liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước về thương mại quốc tế gồm thực hiện các công việc mang tính pháp lý theo chức năng tại các cơ quan đại diện (Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp), cơ quan chính quyền trung ương và địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước khác; tham gia thực hiện hoạt động áp dụng pháp luật để giải quyết các vấn đề pháp lý tại Toà án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án và các cơ quan tư pháp khác; thực hiện các công việc mang tính pháp lý tại các tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện ngoại giao và tham tán thương mại ở nước ngoài.

Thực hiện các công việc bổ trợ tư pháp về các vấn đề liên quan đến luật thương mại quốc tế và tư vấn pháp lý gồm trọng tài thương mại quốc tế; tranh tụng thương mại quốc tế; tư vấn cho khách hàng trong nước và nước ngoài về các vấn đề liên quan đến thương mại quốc tế tại các công ty luật, văn phòng luật sư, văn phòng công chứng, các doanh nghiệp và các tổ chức trong nước và nước ngoài về các vấn đề pháp lý liên quan.

Giảng dạy, nghiên cứu pháp luật tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; tham gia nghiên cứu khoa học với tư cách là nghiên cứu viên tại các cơ quan thực hành pháp luật, các cơ sở đào tạo đại học, các viện nghiên cứu,…

Do chương trình đào tạo đại học ngành Luật thương mại quốc tế của HLU có tính liên thông cao, nên sau khi tốt nghiệp, cử nhân ngành Luật thương mại quốc tế có nhiều cơ hội tiếp tục theo học trình độ cao hơn ở nước ngoài hoặc ở Việt Nam hoặc theo học các ngành/chuyên ngành khác, như ngành Luật, ngành Kinh doanh quốc tế, chuyên ngành Kinh tế đối ngoại, chuyên ngành Thương mại quốc tế. Khảo sát các năm gần đây cho thấy, tỉ lệ sinh viên ngành Luật Thương mại quốc tế ngay sau khi tốt nghiệp có việc làm khá cao, theo xu hướng tăng dần theo các năm. Theo thống kê, tỉ lệ có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp của sinh viên ngành Luật thương mại quốc tế là 91.84%. Các sinh viên sau khi tốt nghiệp cũng được hầu hết người sử dụng lao động phản hồi tích cực về trình độ, kỹ năng và thái độ đối với công việc.

2.3. MỘT SỐ KẾT QUẢ NỔI BẬT TRONG ĐÀO TẠO SINH VIÊN NGÀNH LUẬT THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ

Kết quả đào tạo trong những năm qua cho thấy hầu hết sinh viên đã đạt tiêu chuẩn xét tốt nghiệp đúng tiến độ, không có sinh viên bị kỷ luật. Trong đó, khá nhiều em đã được xếp loại giỏi. Một số tập thể lớp được Trường tặng Giấy khen vì thành tích Tập thể sinh viên xuất sắc nhất Khóa.

Trong quá trình học tập tại Trường, dưới sự chủ trì tuyển chọn, tổ chức huấn luyện của Khoa, nhiều sinh viên của ngành LTMQT nói riêng, của trường nói chung đã liên tục tham gia các cuộc thi tranh tụng trong nước và quốc tế bằng tiếng Anh và đạt nhiều giải cao như sau:

STT

Năm

Thành tích

1

2019

1. Cuộc thi Hòa giải quốc tế Singapore 2019: 1) Huy chương Vàng cho hạng mục Hòa giải viên (Mediator) và 2) Huy chương Bạc cho hạng mục Luật sư biện hộ (Mediation Advocacy).

2. Cuộc thi Phiên tòa giả định về Luật quốc tế về Đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2019 – Vòng Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương: Đội thi của Trường Vô địch Vòng quốc gia, đại diện cho Việt Nam để tham dự vòng thi FDI Moot khu vực tại Seoul (Hàn Quốc).

2

2020

1.Cuộc thi Hòa giải quốc tế Singapore 2020 : 1) Huy chương Bạc cho hạng mục Hòa giải viên (Mediator) và 2) Huy chương Đồng cho hạng mục Luật sư biện hộ (Mediation Advocacy).

2. Cuộc thi Phiên tòa giả định về Luật quốc tế về Đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2020: 1) Vô địch lần thứ 2 liên tiếp Vòng quốc gia; 2) Giải thưởng Luật sư xuất sắc nhất trận chung kết; 3) Giải thưởng Luật sư xuất sắc nhất của vòng thi quốc gia; 4) Giải thưởng Luật sư xuất sắc nhất của bên bị đơn; 5) Giải thưởng Luật sư số điểm đánh giá cao nhất vòng loại.

3

2021

1. Cuộc thi Phiên tòa giả định về Luật đầu tư quốc tế (FDI Moot) năm 2021: 1) 2 đội toàn thắng các trận vòng bảng và đều nhất 2 bảng trên 4 bảng vòng loại để lọt vào Tứ kết; 2) Giải tập thể: Team Franck đạt giải ba FDI Moot 2021; 3) Giải cá nhân: giải luật sư biện hộ duy nhất của cuộc thi đạt điểm tuyệt đối trong cả trận đấu; 4) 5 sinh viên thuộc Top 10 luật sư biện hộ có điểm cao nhất.

2. Cuộc thi Trọng tài thương mại quốc tế tại Úc: 1) Về tập thể, 2 đội thi được xếp hạng 18 và 25 trên 43 đội; 2) Về cá nhân: 2 sinh viên được xếp hạng thứ 25 và 37 trên tổng số 104 thí sinh tham gia tranh tụng.

3. Cuộc thi Hòa giải quốc tế Singapore 2021: 1)  Huy chương vàng hạng mục Hoà giải viên (Mediator); 2) Huy chương bạc hạng mục Luật sư biện hộ.

4

2022

Cuộc thi Hoà giải thương mại quốc tế VMC-HLU 2022: 1) Về tập thể, 1 đội thi của Trường Đại học Luật Hà Nội đạt giải vàng; 2) Về cá nhân, 2 sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội đạt giải Luật sư đại diện xuất sắc nhất và giải luật sư đại diện triển vọng.

5

2023

1. Vòng thi quốc gia: đội DAWN TREADER (Team 1 của HLU) đạt giải nhất, Đội 02HERO (Team 2 của HLU) đạt Giải Ba Cuộc thi;  Đội DAWN TREADER đạt giải Bản luận cứ (Memo) hay nhất; Sinh viên Dương Hoài Nam Phương (DAWN TREADER) và sinh viên Nguyễn Nhật Quang (02HERO): đạt Giải luật sư tranh tụng Moot (Mooter) triển vọng.

2. Đội thi HLU đạt giải Ba cuộc thi (chỉ sau đội Singapore và Malaysia); Sinh viên Dương Hoài Nam Phương (Khoa Pháp luật thương mại quốc tế) đạt giải ba người tranh tụng hay nhất – Second Runner-up, Best Mooter tại cuộc thi.

 

 

 Sinh viên ngành LTMQT cũng đạt nhiều giải cao tại Cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học của Trường đại học Luật Hà Nội.

STT

Năm

Cấp Trường

Cấp Bộ

Cuộc thi Eureka

1

2018

01 giải nhất; 02 giải nhì; 02 giải ba và 04 giải khuyến khích

01 giải ba

01 giải ba

2

2019

01 giải nhất; 01 giải nhì; 02 giải ba và 02 giải khuyến khích

01 giải nhì

 

3

2020

01 giải nhất; 01 giải nhì; 02 giải ba; 03 giải khuyến khích

01 giải ba

 

4

2021

01 giải nhất; 03 giải nhì; 04 giải ba; 02 giải khuyến khích

01 giải ba

01 giải khuyến khích

5

2022

01 giải nhất; 02 giải nhì; 03 giải ba; 02 giải khuyến khích

   

6

2023

01 giải nhất; 01 giải nhì; 02 giải ba; 03 giải khuyến khích

01 giải ba

 

 

Bên cạnh đó sinh viên ngành Luật thương mại quốc tế còn được tham gia nhiều hoạt động ngoại khoá sôi động và có ý nghĩa được tổ chức bởi Liên chi đoàn Khoa pháp luật thương mại quốc tế. Khoa cũng tạo lập, hỗ trợ Câu lạc bộ Trọng tài quốc tế của sinh viên Ngành Luật Thương mại quốc té thường xuyên thực hiện các hoạt động nghiên cứu, rèn luyện ngoại khóa bổ ích, giúp sinh viên có thêm những kiến thức, kỹ năng bổ ích khác ngoài những giờ học tập trên lớp.

 

 

 

Một bộ phận không nhỏ sinh viên khi vừa tốt nghiệp đã tìm được việc làm, trong đó có những sinh viên đã được tuyển dụng tại các công ty luật danh tiếng của nước ngoài và Việt Nam (như Baker McKenzie của Hoa Kỳ, Nishimura & Asahi của Nhật Bản, Allen Arthur Robinson (AAR) của Australia, Bizlink, Vilaf, Leadco, ...), các dự án quốc tế (như Dự án Phát triển lập pháp quốc gia (NLD) do Canada tài trợ, ...) với mức lương cao.

 

Khoa Pháp luật thương mại quốc tế

Địa chỉ: Số 87 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội

Nhà A, Tầng 14, Phòng 1402B

Tel: (00) (84) (24) 3.7731787

Email: pltmqt@hlu.edu.vn

(Chi tiết về thông tin tuyển sinh năm 2024 xin xem thêm ở Đề án tuyển sinh của Trường năm 2024 được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Trường)