Hội thảo khoa học “Pháp luật về nhượng quyền thương mại: kinh nghiệm của một số quốc gia và bài học cho Việt Nam”
Chiều ngày 26/5/2021, Khoa Pháp luật thương mại quốc tế đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Pháp luật về nhượng quyền thương mại: kinh nghiệm của một số quốc gia và bài học cho Việt Nam”. Do tình hình phức tạp của đại dịch Covid-19, Hội thảo được tổ chức trực tuyến thông qua ứng dụng Microsoft Teams. Hội thảo được sự chủ trì bởi PGS.TS. Nguyễn Bá Bình – Trưởng Khoa Pháp luật thương mại quốc tế và ThS. Nguyễn Thị Anh Thơ – Phó Trưởng Khoa Pháp luật thương mại quốc tế.
Hội thảo có sự tham gia của đông đảo đại biểu uy tín của các cơ quan, công ty luật có uy tín: TS. Trần Lê Hồng (Cục phó Cục Sở hữu trí tuệ), PGS.TS. Trần Văn Nam (Trưởng Khoa Luật, Đại học Kinh tế quốc dân), TS. Nguyễn Như Hà (Trưởng Khoa Luật Kinh tế, Học viện Chính sách và Phát triển), TS. Trần Anh Tuấn (Trưởng phòng, Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư Pháp), TS. Nguyễn Thị Minh Huệ (Giám đốc Trung tâm Liên kết đào tạo Luật sư thương mại quốc tế, Học viện Tư pháp), TS. Hà Công Anh Bảo (Phó trưởng Khoa Luật, Trường Đại học Ngoại thương), ThS. Nguyễn Ngọc Lan (Phó trưởng Khoa Khoa học xã hội, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội), LS. Phạm Duy Khương (Giám đốc Công ty Luật ASL), LS. Trần Anh Hùng (Giám đốc Công ty Luật Bross & Partners, TS.LS. Nguyễn Hùng Cường Công ty Luật TNHH VNJUST), TS. Nguyễn Quỳnh Trang (Ban pháp chế Tập đoàn T&T), các giảng viên của Trường Đại học kiểm sát, Học viện ngoại giao,…. Về phía Trường Đại học Luật Hà Nội, Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo, giảng viên thuộc các Khoa, Viện, Trung tâm. Kỷ yếu hội thảo gồm 12 chuyên đề với hơn 160 trang đã được phản biện kín và góp ý một cách nghiêm túc bởi các chuyên gia trong và ngoài trường, đi xuyên suốt 4 nội dung sau: i) Tổng quan về nhượng quyền thương mại và pháp luật về nhượng quyền thương mại trên phạm vi toàn cầu; ii) Thực trạng và pháp luật về nhượng quyền thương mại ở 5 quốc gia trên thế giới (Hoa Kỳ, Úc, Malaysia, Trung Quốc và Thái lan); iii) Mối quan hệ giữa pháp luật nhượng quyền thương mại với pháp luật cạnh tranh và pháp luật sở hữu trí tuệ (ở các nước và ở Việt Nam); iv) Giải quyết tranh chấp nhượng quyền thương mại.
PGS.TS. Nguyễn Bá Bình phát biểu khai mạc và nhấn mạnh mục đích của hội thảo là tạo một diễn đàn khoa học và cung cấp thêm kiến thức, tài liệu phục vụ trực tiếp cho hoạt động giảng dạy, nghiên cứu liên quan các môn học của Khoa, Trường, đồng thời là diễn đàn để đóng góp ý kiến về vấn đề rất có ý nghĩa cả về nghiên cứu, pháp luật thực định, lợi ích quốc gia, người dân và doanh nghiệp. Hội thảo được triển khai theo mô hình sau từng phiên báo cáo tham luận là phần thảo luận dành cho các đại biểu tham dự hội thảo. Trên cơ sở 6 tham luận được trình bày, các phiên thảo luận tại Hội thảo đã tập trung làm rõ, trao đổi về 4 nội dung chính nói trên mà Kỷ yếu Hội thảo đề cập. Các báo cáo và các phiên thảo luận đã diễn ra chất lượng, trong không khí sôi nổi và thẳng thắn với nhiều lượt ý kiến của các nhà khoa học.
Phát biểu kết thúc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Bá Bình thay mặt Ban tổ chức cảm ơn các tác giả đã tham gia viết bài, trình bày tham luận, cảm ơn các đại biểu đã tham dự và thảo luận sôi nổi tại Hội thảo. Trưởng Khoa cho rằng kết quả của hội thảo sẽ giúp các giảng viên, các nhà khoa học và thực hành pháp luật có thêm thông tin, tri thức phục vụ cho công việc, đặc biệt là cung cấp thêm nguồn tài liệu tham khảo hữu ích cho việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học của Khoa, Trường trong thời gian tới.