TỌA ĐÀM KHOA HỌC VỀ “KINH NGHIỆM CHO THƯƠNG NHÂN VIỆT NAM TRONG VIỆC SOẠN THẢO VÀ THỰC THI CÁC HỢP ĐỒNG THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ”

Đăng vào 08/10/2020 16:50

Chiều ngày 06/10/2020, tại Hội trường A402, Khoa Pháp luật thương mại quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội đã tổ chức Toạ đàm khoa học với chủ đề “Kinh nghiệm cho thương nhân Việt Nam trong việc soạn thảo và thực thi các hợp đồng thương mại quốc tế”.

Toạ đàm được chủ trì bởi PGS.TS. Nguyễn Bá Bình – Trưởng Khoa Pháp luật thương mại quốc tế. Đến dự Toạ đàm có sự tham gia của Ông Phan Trọng Đạt – Phó Tổng thư kí Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), Phó giám đốc thường trực Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC); Luật sư Nguyễn Trung Nam – Giám đốc Công ty Luật EP Legal; TS. Trần Anh Tuấn (Trưởng phòng, Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp); Luật sư Nguyễn Thành Nam – Giám đốc Công ty Luật Gattaca; Luật sư Đoàn Vũ Hoài Nam – Giám đốc Công ty Luật ASLLAW; Luật sư Phạm Duy Khương – Giám đốc Công ty Luật SB Law cùng đại diện đến từ Bộ Tư pháp, Báo Pháp luật Việt Nam, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội và các thầy, cô giáo đại diện cho các Khoa, Viện, Bộ môn và sinh viên của Trường Đại học Luật Hà Nội.

Tại tọa đàm, Luật sư Nguyễn Trung Nam – Giám đốc Công ty Luật EP Legal đã chia sẻ nội dung soạn thảo và thực hiện hợp đồng thương mại quốc tế: một số lưu ý cho doanh nghiệp Việt Nam. Tiếp nối chương trình, Ông Phan Trọng Đạt – Phó Tổng thư kí Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam VIAC trình bày một số khuyến nghị cho doanh nghiệp Việt Nam trong ký kết hợp đồng thương mại quốc tế từ thực tiễn giải quyết tranh chấp tại VIAC. Toạ đàm cũng nhận được những trao đổi quý báu của các luật sư, đại biểu tham gia Toạ đàm.

Trong khuôn khổ Toạ đàm, Khoa Pháp luật Thương mại quốc tế cũng đã tổ chức Lễ ra mắt và kí kết Câu lạc bộ Trọng tài quốc tế (IAC) và Viện Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIARB).

Phát biểu kết thúc Toạ đàm, PGS. TS. Nguyễn Bá Bình gửi lời cảm ơn các chuyên gia, các đại biểu, thầy cô giáo và các em sinh viên đã tham gia và chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn về kỹ năng soạn thảo và thực thi các hợp đồng thương mại quốc tế. Trưởng Khoa hi vọng tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các chuyên gia, khách mời và các em sinh viên đối với các hoạt động khoa học tiếp theo của Khoa Pháp luật thương mại quốc tế.