Hội thảo khoa học về “Cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nước tiếp nhận đầu tư - xu hướng phát triển và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam”
Chiều ngày 24/6/2024, Khoa Pháp luật Thương mại quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học với chủ đề “Cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nước tiếp nhận đầu tư - xu hướng phát triển và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam”. Hội thảo được đồng chủ trì bởi PGS.TS. Nguyễn Bá Bình – Trưởng Khoa Pháp luật Thương mại quốc tế và TS. Nguyễn Thị Anh Thơ – Phó trưởng Khoa, Phụ trách Bộ môn Pháp luật về giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế. Hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học đến từ các cơ sở đào tạo luật, như Khoa Luật quốc tế – Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Khoa Luật - Trường Đại học Kinh tế quốc dân; đại diện Công ty TNHH Phòng ADR Việt Nam; đại diện Công ty Luật Lexcomm; các thầy, cô giáo đại diện cho các Khoa, Bộ môn của Trường Đại học Luật Hà Nội và sinh viên, học viên cao học có quan tâm tới hội thảo.
PGS.TS. Nguyễn Bá Bình, chủ trì Hội thảo, đã phát biểu khai mạc Hội thảo, giới thiệu về tình hình nghiên cứu những vấn đề pháp lý, thực tiễn sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế giữa nhà đầu tư và nước tiếp nhận đầu tư và đánh giá xu hướng phát triển của cơ chế này cũng như những vấn đề đặt ra cho Việt Nam. PGS.TS. Nguyễn Bá Bình hi vọng Hội thảo là diễn đàn khoa học hữu ích để lắng nghe, chia sẻ, thảo luận về các vấn đề liên quan đến chủ đề Hội thảo và các chuyên đề Hội thảo, từ đó góp phần vào công tác xây dựng, thực thi pháp luật và đặc biệt là vào quá trình đào tạo, nghiên cứu khoa học của Khoa nói riêng và nhà trường nói chung liên quan tới chủ đề Hội thảo.
Tiếp theo ý kiến phát biểu khai mạc Hội thảo, các tác giả chuyên đề và các nhà khoa học đã lần lượt trình bày các tham luận và trao đổi ý kiến sôi nổi trong các phiên thảo luận về các vấn đề như: vấn đề pháp lý và thực tiễn đặt ra cho Việt Nam về đảm bảo chi phí trong tố tụng và khiếu kiện vô căn cứ; bình luận về một số điểm mới trong Quy tắc trọng tài phụ trợ ICSID năm 2022 về giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế; sự tham gia của bên thứ ba trong trọng tài đầu tư quốc tế; tài trợ của bên thứ ba trong tố tụng trọng tài đầu tư quốc tế; thực thi phán quyết của trọng tài đầu tư quốc tế… Những nhận định của các chuyên gia không chỉ liên quan tới khía cạnh lý luận, mà còn đi sâu về những nội dung thực tiễn cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nước tiếp nhận đầu tư trên thế giới và tại Việt Nam hiện nay, bao gồm: những vấn đề còn tồn tại nhiều ý kiến đa chiều, khó khăn trong giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nước tiếp nhận đầu tư, cũng như cơ chế, quy định có thể áp dụng để xử lý, khắc phục.
Hội thảo về “Cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nước tiếp nhận đầu tư - xu hướng phát triển và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam” đã diễn ra trong không khí trao đổi, chia sẻ sôi nổi, thẳng thắn giữa các tác giả chuyên đề và các nhà khoa học. Phát biểu kết thúc hội thảo, TS. Nguyễn Thị Anh Thơ, đồng chủ trì hội thảo, đã thay mặt Trưởng Khoa gửi lời cảm ơn các chuyên gia, các thầy cô giáo về sự tham gia và đóng góp ý kiến nhiệt tình, sâu sắc và hi vọng tiếp tục nhận được sự ủng hộ đối với các hoạt động khoa học tiếp theo của Khoa. Những kết quả thu được từ Hội thảo là nguồn tham khảo hiệu quả và quý báu cho việc nghiên cứu cũng như giảng dạy tại Khoa Pháp luật Thương mại quốc tế nói riêng, Trường Đại học Luật Hà Nội nói chung.