SINH VIÊN NĂM CUỐI: KINH NGHIỆM HỌC TẬP TẠI KHOA PHÁP LUẬT THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ VÀ LỜI KHUYÊN DÀNH CHO HẬU BỐI
Trường Đại học Luật Hà Nội là cơ sở đào tạo luật đầu tiên ở Việt Nam mở mã ngành Luật Thương mại quốc tế ở Việt Nam vào năm 2011 - mã ngành đào tạo thứ hai của Trường được mở sau 32 năm thành lập. Về chương trình đào tạo, ngành Luật Thương mại quốc tế được thiết kế trên cơ sở tiệm cận các chuẩn mực quốc tế tiêu biểu, tập trung vào 3 trụ cột: Pháp luật dân sự - thương mại trong nước và pháp luật thương mại quốc tế; kỹ năng luật gia/ luật sư; và tiếng Anh pháp lý. Về mặt hoạt động, sinh viên khoa Pháp luât Thương mại Quốc tế luôn được khuyến khích, hỗ trợ tham gia hoạt động đoàn đội, chuyên môn đa dạng và chất lượng.
Để có được cái nhìn chân thực hơn về môi trường học tập tại khoa Pháp luật Thương mại Quốc tế, trường Đại học Luật Hà Nội, cùng Liên chi Đoàn Khoa gặp gỡ sinh viên ưu tú của chuỗi phóng sự trong bài viết tuần này. Phỏng vấn anh Trần Đăng Quang, sinh viên năm cuối của khoa Pháp luật Thương mại Quốc tế với thành tích hoạt động ngoại khóa và học thuật nổi bật như:
- Giải Nhì cuộc thi “Sinh viên nghiên cứu khoa học” cấp Bộ năm 2019.
- Giải Nhất cuộc thi “Sinh viên nghiên cứu khoa học” cấp trường Đại học Luật Hà Nội năm 2019.
- Giải Nhất cuộc thi “Science Hackathon” trong khuôn khổ chương trình “Vietnam Summer School of Science” năm 2019.
- Danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp Trung ương năm học 2018 – 2019, 2019 – 2020.
- Đạt học bổng Globalized Era Scholarship (GES) năm 2020.
- Đạt giải thưởng Honda năm 2020.
Anh đã có chia sẻ về trải nghiệm học tập và hoạt động tại khoa cũng như một số lời khuyên dành cho các bạn sinh viên, tân sinh viên khoa Pháp luật Thương mại Quốc tế như sau:
“Nhìn chung, đây là một cuộc hành trình đưa anh đi hết từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Từ những thầy cô rất trẻ trung, nhiệt tình và gần gũi với sinh viên, đến những anh chị tiền bối, bạn cùng lớp và các em khoá sau rất năng động và tài năng. Được học tập và hoạt động trong môi trường như vậy là động lực thúc đẩy anh nỗ lực, cố gắng hơn rất nhiều.
Các môn học và hoạt động của khoa cũng khiến anh rất bất ngờ vì độ chuyên sâu, mức độ sử dụng tiếng anh và cơ hội mở rộng hiểu biết về những kiến thức xã hội, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến quan hệ thương mại quốc tế của Việt Nam.
Khi đã trở thành sinh viên của Khoa, các bạn nên xác định mục tiêu học tập dài hạn trong suốt 4 năm học sao cho phù hợp với khả năng, mong muốn của bản thân. Trong đó, các mục tiêu cụ thể có thể thay đổi tăng dần theo từng kỳ học và lấy đó làm động lực cố gắng của bản thân.
Từ năm nhất, các bạn tân sinh viên cần nỗ lực và cố gắng ngay từ những môn học đầu tiên, đừng sợ hay chán nản vì những môn học đại cương. Những khó khăn ban đầu trong việc thay đổi cách học, lượng kiến thức từ trung học phổ thông lên đại học là điều dễ gặp phải, nhưng để làm quen được với cách học thì cần có thời gian rèn luyện.
Riêng với khoa pháp luật thương mại quốc tế, các bạn sẽ được học những môn chuyên ngành của khoa bắt đầu từ cuối năm 2 cho đến hết năm 4. Vì vậy, nếu vẫn giữ tâm lý “xả hơi” sau kỳ thi đại học trong một khoảng thời gian dài thì những năm học sau sẽ phải nỗ lực hơn rất nhiều.
Để học được hiệu quả các môn học nói chung và các môn chuyên ngành nói riêng, việc tìm hiểu trước nội dung tổng quan của môn học trong đề cương là điều hết sức quan trọng. Từ đó, các bạn có thể nhận định được một số môn học phù hợp với định hướng, năng lực, sở thích của bản thân để đầu tư thêm thời gian nghiên cứu, tìm tòi. Tuy nhiên, với các môn học khác, các bạn sinh viên vẫn cần dành đủ thời gian nghiên cứu nhưng có thể đặt mục tiêu kết quả thấp hơn.
Phần lớn các môn học của khoa đều có sự liên quan đến nhau, do đó, việc sâu chuỗi, liên kết các môn học, tìm ra điểm chung sẽ giúp các bạn sinh viên dễ dàng hơn trong việc nắm bắt kiến thức cốt lõi ở các môn học sau này cũng như toàn bộ khoá học.
Ngoài việc học trên lớp, các bạn sinh viên nên tích cực, chủ động tham gia thêm các hoạt động ngoại khoá, các cuộc thi, các câu lạc bộ chuyên ngành để rèn luyện kỹ năng và trau dồi kiến thức. Ví dụ như cuộc thi phiên toà giả định (MOOT), hay các hội thảo, toạ đàm của khoa và của trường.
Nhìn chung, có 03 điều mà anh nghĩ các bạn tân sinh viên và sinh viên khoa pháp luật thương mại quốc tế nên thực hiện là hiểu bản thân mình, xác định mục tiêu và nội dung khoá học, xây dựng chiến lược học tập phù hợp để đạt được mục tiêu dài hạn của bản thân.” ./.