Hội thảo cấp Khoa “Bộ nguyên tắc La Haye năm 2015 về chọn luật áp dụng cho hợp đồng thương mại quốc tế”
Sáng ngày 24/4/2018, Khoa Pháp luật thương mại quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội đã tổ chức Hội thảo cấp Khoa với chủ đề “Bộ nguyên tắc La Haye năm 2015 về chọn luật áp dụng cho hợp đồng thương mại quốc tế” tại phòng A402.
Tham dự Hội thảo có các giảng viên của Trường Đại học Thương mại, Học viện An ninh, Trường Đại học Kiểm sát, Viện Đại học Mở Hà Nội, Trường Đại học Ngoại thương, Học viện Tư pháp. Đặc biệt, Hội thảo có sự tham gia của chuyên gia của Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp (bà Hoàng Ngọc Bích) nhằm trao đổi về thực tiễn đóng góp của Việt Nam vào hoạt động xây dựng các công cụ pháp lý đa phương trong khuôn khổ Hội nghị La Haye về tư pháp quốc tế. Về phía Trường Đại học Luật Hà Nội, có sự tham gia của đại diện các Khoa, Trung tâm và một số Bộ môn trong Trường, cùng các giảng viên Khoa Pháp luật thương mại quốc tế và một số sinh viên ngành Luật thương mại quốc tế, ngành Luật chất lượng cao.
Hội thảo có 14 chuyên đề, trong đó có 03 chuyên đề với sự tham gia của sinh viên. Hội thảo đã nghe gần 30 lượt trao đổi ý kiến của các chuyên gia, giảng viên và sinh viên tập trung thảo luận những vấn đề chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, tính chất “luật mềm” (“soft law”) của Bộ nguyên tắc La Haye năm 2015 về chọn luật áp dụng cho hợp đồng thương mại quốc tế. Mặc dù việc áp dụng “luật mềm” có thể không khả thi lắm đối với các trọng tài viên hay thẩm phán, nhưng nó có giá trị khuyến nghị và giáo dục rất lớn, nâng cao nhận thức cho các nhà lập pháp, các nhà học thuật ở các quốc gia, từ đó tác động đến hoạt động lập pháp, từng bước làm thay đổi pháp luật của các quốc gia.
Thứ hai, đánh giá một số điểm tiến bộ của Bộ nguyên tắc này, như điều chỉnh được các vấn đề mới và khó đặt ra đối với hợp đồng thương mại quốc tế, ví dụ: điều chỉnh loại hợp đồng hỗn hợp, luật áp dụng đối với từng phần của hợp đồng, …
Thứ ba, sự đóng góp của Việt Nam vào Hội nghị La Haye về tư pháp quốc tế, từ đó giúp các giảng viên, sinh viên hiểu được nhu cầu nghiên cứu thực tiễn của Bộ Tư pháp và sẽ cố gắng đáp ứng.
Mục lục và tài liệu Hội thảo (xem files đính kèm) sẽ được ứng dụng vào hoạt động giảng dạy của giảng viên, đồng thời làm tài liệu học tập cho sinh viên, nhằm cập nhật thông tin học thuật cho giáo trình và các học liệu khác.
Với triết lý giáo dục “lấy sinh viên làm trung tâm” và thử nghiệm phương pháp đào tạo “flipped classroom” (“lớp học đảo ngược”), Khoa Pháp luật thương mại quốc tế đã chủ động mời sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học cùng với giảng viên, nhằm giúp sinh viên tiếp cận được những vấn đề khoa học nghiêm túc của bộ ngành, hiểu được thách thức từ thực tế công việc của bộ ngành, cùng chia sẻ các bài giảng, giờ học với các thầy cô giáo. Thông qua Hội thảo, các thầy cô giáo cũng hiểu được nhu cầu tích lũy kiến thức của sinh viên là rất nghiêm túc, trong bối cảnh giờ giảng trên lớp phải giảm dần, từ đó sẽ phải thay đổi mạnh mẽ hơn phương pháp giảng dạy, theo hướng để sinh viên tự học nhiều hơn.
Tào Thị Huệ