Hội thảo khoa học cấp Khoa “Cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế theo quy định của pháp luật Việt Nam và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên”
Sáng ngày 25/9/2019, Khoa Pháp luật Thương mại quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế theo quy định của pháp luật Việt Nam và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên”.
Hội thảo được chủ trì bởi TS. Nguyễn Bá Bình – Trưởng Khoa Pháp luật Thương mại quốc tế và ThS. Nguyễn Thị Anh Thơ – Phó trưởng Bộ môn, phụ trách Bộ môn Pháp luật về giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế. Đến tham sự dự Hội thảo còn có sự hiện diện của các đại biểu đại diện của Vụ Pháp luật Quốc tế, Vụ Pháp luật dân sự kinh tế - Bộ Tư pháp, Vụ Pháp chế - Bộ Công thương, Trung tâm trọng tài thương mại quốc tế Việt Nam (VIAC); các nhà khoa học đại diện cho các cơ sở đào tạo luật ở Hà Nội như Khoa Luật Quốc tế - Học viện Ngoại giao, Khoa Luật - Trường Đại học Kinh tế quốc dân; đại diện công ty Luật Bizlink; các thầy, cô giáo đại diện cho các Khoa, Bộ môn của Trường Đại học Luật Hà Nội có quan tâm tới hội thảo.
TS. Nguyễn Bá Bình, chủ trì Hội thảo, đã phát biểu khai mạc Hội thảo, giới thiệu về vai trò cũng như thực trạng áp dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp, đặc biệt là cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và chính phủ nước tiếp nhận đầu tư, trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế hiện nay. Tiếp nối những ý kiến nhận định của TS. Nguyễn Bá Bình, ThS. Nguyễn Thị Anh Thơ đã trình bày tham luận đầu tiên, mang đến cái nhìn tổng quát về sự hình thành và phát triển của cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư nói chung và cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên nói riêng.
Các tác giả chuyên đề và các nhà khoa học đã lần lượt trình bày các tham luận, bình luận và trao đổi ý kiến về cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và chính phủ nước tiếp nhận đầu tư trong khuôn khổ ASEAN cũng như trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên (như Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVIPA,…), việc thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp, cũng như các đánh giá quan trọng về tình hình thực tiễn giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế trên thế giới và tại Việt Nam. Những nhận định của các chuyên gia không chỉ liên quan tới khía cạnh lý luận, mà còn có những chia sẻ về tình hình thực tiễn giải quyết các tranh chấp đầu tư quốc tế bằng cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và chính phủ nước tiếp nhận đầu tư, từ đó bày tỏ những nhận định về vai trò của cơ chế này trong việc giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.
Hội thảo đã diễn ra trong không khí trao đổi, chia sẻ sôi nổi, thẳng thắn giữa các tác giả chuyên đề, các nhà khoa học và các đại biểu tham dự hội thảo. Phát biểu kết thúc hội thảo, TS. Nguyễn Bá Bình gửi lời cảm ơn các chuyên gia, các đại biểu, thầy cô giáo về sự tham gia và đóng góp ý kiến nhiệt tình, sâu sắc và hi vọng tiếp tục nhận được sự ủng hộ đối với các hoạt động khoa học tiếp theo của Khoa. Những kết quả thu được từ Hội thảo là nguồn tham khảo hiệu quả cho việc nghiên cứu cũng như giảng dạy về giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế tại Trường Đại học Luật Hà Nội cũng như các cơ sở đào tạo luật khác.