Hội thảo “Phòng tránh rủi ro trong giao thương quốc tế - Góc nhìn từ người trong cuộc”

Đăng vào 04/11/2022 08:49

Sáng ngày 27/10/2022, Khoa Pháp luật thương mại quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội đã phối hợp cùng Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Cơ sở II Trường Đại học Ngoại thương tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo “Phòng tránh rủi ro trong giao thương quốc tế - Góc nhìn từ người trong cuộc”. Hội thảo được tổ chức trực tiếp và trực tuyến với 2 đầu cầu tại Trường Đại học Ngoại thương cơ sở 2 tại TPHCM và tại A402 Trường Đại học Luật Hà Nội.

Về phía đầu cầu Trường Đại học Luật Hà Nội, hội thảo được chủ trì bởi PGS. TS. Nguyễn Bá Bình – Trưởng Khoa Pháp luật Thương mại quốc tế, với sự tham gia của ông Phan Trọng Đạt (Quyền Giám đốc Trung tâm Hoà giải Việt Nam (VMC), chị Nguyễn Mai Thu (cán bộ của VMC), các thầy cô giáo và các bạn sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội. Về phía đầu cầu Trường Đại học Ngoại thương cơ sở 2, hội thảo được chủ trì bởi LS. Châu Việt Bắc (Phó trưởng Ban Thư ký VIAC), PGS.TS Nguyễn Xuân Minh (Giám đốc Trường Đại học Ngoại thương cơ sở 2 tại TP. Hồ Chí Minh), Ông Bạch Khánh Nhựt (Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam), Ông Vũ Xuân Hưng (Trưởng phòng pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh tại TP.HCM (VCCI-HCM)), với sự tham gia của các chuyên gia, các thầy cô giáo và các em sinh viên Trường Đại học Ngoại thương. Hội thảo còn đón nhận hơn 250 chuyên gia, thầy cô, sinh viên tham dự thông qua các nền tảng trực tuyến.

 

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, về phía đầu cầu Trường Đại học Ngoại thương cơ sở 2 tại TP. Hồ Chí Minh, PGS.TS Nguyễn Xuân Minh và LS. Châu Việt Bắc đều nhận định hội thảo là một diễn đàn bổ ích để các doanh nghiệp, chuyên gia, giảng viên và sinh viên cùng chia sẻ, trao đổi kiến thức, trải nghiệm thực tế của mình. Trong khi đó, về phía đầu cầu Trường Đại học Luật Hà Nội, PGS.TS. Nguyễn Bá Bình bày tỏ vui mừng trước sự hợp tác giữa các đơn vị, đánh giá đây là hoạt động không chỉ có ý ngh

hĩa về mặt thực tiễn cho cộng đồng doanh nghiệp khi giao dịch với đối tác nước ngoài, mà xét về mặt đào tạo, khoa học đây cũng là hoạt động hữu ích cho giảng viên, học viên và sinh viên. PGS.TS. Nguyễn Bá Bình hy vọng, Hội thảo này là tiền đề cho sự phối hợp ngày càng hiệu quả hơn của các đơn vị trong thời gian tới.

4 tham luận đã được trình bày tại Hội thảo. Ông Vũ Xuân Hưng (Trưởng phòng pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh tại TP.HCM (VCCI-HCM)) trình bày tham luận đầu tiên, cung cấp bức tranh tổng quát về hoạt động giao thương quốc tế trong bối cảnh nhiều biến động trên thị trường hiện nay. Ông cho biết, trong suốt giai đoạn từ năm 2018 đến nay, bức tranh kinh tế thế giới gặp nhiều biến động, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động giao thương quốc tế của Việt Nam. Trong đó, vấn đề lừa đảo và tội phạm kinh tế đã được ông đề cập và lưu ý.

 

 

Tiếp theo đó, ông Bạch Khánh Nhựt trình bày tham luận về thực tiễn xuất khẩu hàng hoá và kinh nghiệm cho doanh nghiệp Việt Nam, trong đó tập trung trao đổi về vụ “100 containers Điều” xuất khẩu sang Ý của doanh nghiệp Việt Nam gặp sự cố gần đây. TS. Nguyễn Thị Quỳnh Nga (giảng viên Trường Đại học Ngoại thương) chia sẻ các vấn đề về thanh toán trong giao thương quốc tế. Trong bài tham luận của mình, PGS.TS. Nguyễn Bá Bình – Trưởng Khoa Pháp luật thương mại quốc tế và ThS. Trần Phương Anh – Giảng viên Khoa Pháp luật thương mại quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội đã phân tích, làm rõ rủi ro trong thực hiện hợp đồng thương mại quốc tế, trình bày các tình huống thực tế và lưu ý cho doanh nghiệp Việt Nam.

Hội thảo chốt lại bằng phần thảo luận với sự tham gia của các chuyên gia tại Hội thảo. Những ý kiến thảo luận, đóng góp, chia sẻ của các chuyên gia không chỉ liên quan tới khía cạnh lý luận, mà còn đi sâu về những nội dung thực tiễn nhằm giúp doanh nghiệp có góc nhìn đầy đủ hơn về các biện pháp phòng tránh cũng như giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế.

 

 

Hội thảo đã diễn ra trong không khí trao đổi, chia sẻ sôi nổi, thẳng thắn giữa các tác giả chuyên đề và các nhà khoa học. Trong phần chia sẻ trước khi kết thúc hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Bá Bình gửi lời cảm ơn lãnh đạo VIAC TPHCM, Hiệp hội Điều Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Trường Đại học Ngoại thương cơ sở 2 TPHCM đã mời Khoa Pháp luật thương mại quốc tế phối hợp tổ chức hội thảo hữu ích này. PGS.TS. Nguyễn Bá Bình cũng gửi lời cảm ơn tới các chuyên gia, các thầy cô giáo và các em sinh viên về sự tham gia và đóng góp ý kiến nhiệt tình, sâu sắc và hi vọng tiếp tục nhận được sự ủng hộ đối với các hoạt động khoa học tiếp theo của Khoa. Những kết quả thu được từ Hội thảo là nguồn tham khảo có giá trị cho việc nghiên cứu, giảng dạy tại Khoa Pháp luật thương mại quốc tế nói riêng, Trường Đại học Luật Hà Nội nói chung cũng như các cơ sở đào tạo luật khác./.